Quan điểm lập quy hoạch
- Tuân thủ, phù hợp với hệ thống quy hoạch: Thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng ĐBSCL có liên quan đến địa bàn của Thành phố. Đảm bảo tuân thủ, phù hợp, thường xuyên cập nhật những chủ trương, định hướng lớn, những chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước, Chính phủ, vùng ĐBSCL; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của cả nước; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên.
- Cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Phát huy nội lực: Bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử-văn hóa, di sản văn hóa, cảnh quan tự nhiên đặc trưng của Thành phố và của vùng đồng bằng sông Cửu Long cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
- Khai thác vị thế: Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; Khai thác các liên kết vùng, địa phương trong cả nước, đặc biệt là kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng biên giới Việt Nam – Campuchia; Khai thác hiệu quả các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết.
- Đảm bảo tính bao trùm, cân bằng: Giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực do kinh tế - xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế của cộng đồng, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em. Quá trình lập quy hoạch phải được kết hợp với các chính sách khác, thúc đẩy phát triển các địa bàn còn khó khăn và bảo đảm sinh kế bền vững của người dân.
Mục tiêu lập quy hoạch
- Quy hoạch là công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp Thành phố Cần Thơ sử dụng để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch Thành phố; là cơ sở để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công từng giai đoạn 05 năm và hàng năm trên địa bàn Thành phố Cần Thơ, đảm bảo tính khách quan, khoa học.
- Là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống, làm việc cũng như giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch của Thành phố Cần Thơ, góp phần tạo ra nhiều việc làm, ổn định sinh kế, hạn chế bất bình đẳng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
- Xây dựng khung phát triển về không gian, tạo nền tảng cơ sở cho xây dựng và kết nối đồng bộ, thống nhất và hiệu quả các loại hình quy hoạch. Loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, ảnh hưởng đến định hướng và đầu tư phát triển; giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trong địa bàn Thành phố hiện nay và định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hợp lý các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.
- Tối ưu hóa và bảo đảm tính khả thi, bền vững trong quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển; thích ứng cao với BĐKH và giảm thiểu tiêu cực từ thiên tai.
- Là một trong những công cụ khắc phục những thiếu sót, những bất cập do các5 quy hoạch cũ và lịch sử để lại. |